Những kiến thức cần biết khi đặt vòng tránh thai

Tham vấn y khoa:

Nguyễn Thường Hanh

October 30, 2020
Kế hoạch hóa

Đặt vòng tránh thai là biện pháp đặt dụng cụ y tế vào tử cung để tránh thai. Đây là biện pháp tránh thai rất phổ biến hiện nay. Vậy đặt vòng tránh thai có ưu, nhược điểm gì? Ai nên đặt vòng, ai không nên? Khi đặt vòng tránh thai nên

lưu ý những gì? Nội dung ngay sau đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cần biết khi đặt vòng tránh thai. Hãy cùng theo dõi nhé!

Vòng tránh thai là gì?

vòng tranh thai nội tiết

Vòng tránh thai là một dụng cụ y tế thường có hình chữ T. Nó được đặt vào lòng tử cung để phát huy hiệu quả tránh thai. Vòng tránh thai sẽ làm thay đổi môi trường niêm mạc tử cung ngăn ngừa quá trình thụ thai diễn ra.

Vòng tránh thai có 2 loại là:

Vòng tránh thai chứa đồng

Vòng tránh thai này hình chữ T, có quấn dây đồng. Nó có tác dụng tránh thai khá dài lên đến hàng chục năm. Loại vòng này có ưu điểm là cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, hạn chế nguy cơ viêm nhiễm vòi trứng.

Tuy nhiên khi mới đặt, chị em có thể có cảm giác khó chịu. Trong một vài tháng đầu, vòng tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ như: đau bụng kinh, nổi mụn, đau đầu, đau lưng…

Vòng tránh thai nội tiết

Vòng tránh thai này có chứa hormone progesterone làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn ngừa tinh trùng bơi vào gặp trứng. Loại vòng này có hiệu quả tránh thai kéo dài từ 3-5 năm. Vòng có thể ngừa thai ngay lập tức sau khi đặt vào cơ thể. Khi muốn sinh con, chị em chỉ cần tháo vòng ra.

Vòng tránh thai này cũng làm giảm các triệu chứng đau bụng kinh cũng như xuất huyết bất thường. Tuy nhiên giá của nó cao hơn các loại vòng thông thường.Một số tác dụng phụ có thể gặp phải là: nổi mụn, tăng cân, mất kinh.

Ưu nhược điểm đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai là phương pháp tránh thai có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có một số nhược điểm. Cụ thể như sau:

Ưu điểm của vòng tránh thai

  • Tránh thai hiệu quả cao: 97-98%
  • Thời gian tránh thai dài trung bình từ 5-10 năm
  • Có khả năng sinh con ngay khi tháo vòng
  • Không ảnh hưởng đến phụ nữ cho con bú, số lượng và chất lượng sữa vẫn được đảm bảo.
  • Vòng tránh thai chỉ gây khó chịu trong thời gian đầu. Khi đã quen dần, nó không gây ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục.
  • Giảm đau bụng kinh và điều tiết kinh nguyệt.
  • Vòng tránh thai là biện pháp tránh thai rất thích hợp cho những gia đình muốn kế hoạch hóa trong thời gian dài hoặc không còn ý định sinh con.

Nhược điểm

  • Vòng tránh thai không ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Nguy cơ mang thai ngoài tử cung, mặc dù hiếm khi xảy ra
  • Có thể gây tăng tiết dịch âm đạo khiến vùng kín thường xuyên ẩm ướt gây khó chịu cho chị em.
  • Trường hợp hy hữu, vòng có thể bị tụt hoặc troi ra ngoài, mất tác dụng tránh thai. Nguyên nhân gây ra điều này có thể do bạn đặt vòng ngay sau khi sinh. Lúc này tử cung vẫn đang co bóp, đàn hồi để trở về trạng thái ban đầu.

Chống chỉ định sử dụng vòng tránh thai

Vòng tránh thai không phù hợp với tất cả mọi người. Một số trường hợp dưới đây không phù hợp với vòng tránh thai:

  • Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai: trước khi đặt vòng, bạn phải kiểm tra kỹ để chắc chắn mình không có thai.
  • Mắc u xơ tử cung
  • Mắc bệnh xã hội
  • Viêm nhiễm sinh dục: phải điều trị khỏi trước khi tiến hành đặt vòng.
  • Đang bị băng huyết
  • Thiếu máu cấp tính
  • Người mới nạo hút thai

Khi nào nên đặt vòng tránh thai?

Bạn đang thắc mắc không biết khi nào nên đặt vòng tránh thai? Bạn có thể đặt vòng vào bất cứ thời điểm nào sau khi sạch kinh. Đây là thời điểm cổ tử cung sạch sẽ giúp việc đặt vòng dễ dàng và ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm.

Chị em không nên đặt vòng ngay sau khi sinh. Nếu sinh thường, bạn phải chờ 6 tuần, còn sinh mổ thì tối thiểu là 3 tháng. Đây là khoảng thời gian cần thiết để tử cung co bóp và đàn hồi trở lại. Việc đặt vòng quá sớm khi tử cung chưa hồi phục, sẽ rất dễ xảy ra tụt vòng hoặc mất vòng.

Quy trình thực hiện đặt vòng tránh thai

Đặt vòng tránh thai phải được thực hiện ở những cơ sở chuyên khoa uy tín. Quy trình thực hiện đặt vòng tránh thai như sau:

Bước 1: Kiểm tra vùng kín để đảm bảo chị em không mắc viêm nhiễm phụ khoa. Nếu chị em bị mắc viêm nhiễm phụ khoa phải được điều trị trước khi đặt vòng.

Bước 2: Đặt vòng

Bác sỹ xác định vị trí đặt vòng và kích thước tử cung để chọn loại vòng thích hợp. Tiếp đó bác sỹ dùng mỏ vịt để mở âm đạo để tiến hành khử trùng và làm sạch âm đạo.

Bác sỹ đo chiều dài tử cung và đưa vòng tránh thai vào. Khi vòng cố định tại điểm đặt nó sẽ mở rộng ra hình chữ T.

Bước 3: Sau đặt vòng

Bác sỹ sẽ quan sát, nếu không có dấu hiệu gì bất thường thì chị em có thể ra về. Còn nếu bị ra máu âm đạo nhiều thì sẽ được xử lý hoặc tháo vòng.

Tác dụng phụ khi đặt vòng tránh thai

Đây là biện pháp tránh thai an toàn. Nhưng nó cũng gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Vài ngày đầu sau khi đặt vòng, bạn có thể cảm thấy bị chuột rút, đau lưng, đau đầu, đau bụng, xuất huyết âm đạo 4-5 ngày.
  • Rối loạn nội tiết tố gây ra rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, đau bụng kinh nhiều hơn, nám da…
  • Sụt cân: Nếu bị sụt cân thì có thể vòng tránh thai không phù hợp với cơ thể. Bạn nên đến cơ sở y tế để tháo vòng và áp dụng biện pháp tránh thai khác.
  • Viêm nhiễm phụ khoa: Việc đặt vòng tránh thai không đảm bảo, không làm sạch kỹ càng có thể gây viêm nhiễm phụ khoa. Hoặc vi khuẩn từ bên ngoài có thể xâm nhập vào cơ quan sinh dục trong quá trình đặt và gây ra viêm nhiễm.

Những lưu ý khi đặt vòng tránh thai

Dưới đây là những lưu ý cho chị em trong quá trình đặt vòng tránh thai:

Lưu ý trước khi đặt vòng

Việc đặt vòng tránh thai có thể vô tình đưa vi khuẩn xâm nhập vào bên trong và gây ra viêm nhiễm. Nếu bị viêm nhiễm ở vùng chậu, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vì vậy trước khi đặt vòng, bạn phải khám phụ khoa để đảm bảo không bị viêm nhiễm phụ khoa. Đồng thời trước khi đặt vòng, bác sỹ cần vệ sinh sạch sẽ tử cung để đảm bảo không bị nhiễm trùng.

Nếu đang bị viêm nhiễm phụ khoa, ban nên tạm hoãn việc đặt vòng. Chờ đến khi điều trị viêm phụ khoa khỏi triệt để, bạn mới nên thực hiện.

Dấu hiệu nguy hiểm sau khi đặt vòng

Đặt vòng tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ và biến chứng. nếu có những dấu hiệu dưới đây, bạn cần thông báo ngay cho bác sỹ để được xử lý kịp thời:

  • Bị đau bụng dưới nhiều ngày
  • Sốt hoặc tiểu buốt
  • Rong kinh bất thường trên 7 ngày sau khi đặt vòng
  • Viêm vùng chậu: Có các biểu hiện viêm nhiễm vùng chậu như: khí hư ra nhiều có mùi hôi, ngứa rát vùng kín bất thường, khí hư biến đổi màu sắc…
  • Nghi ngờ vòng bị tuột
  • Nghi ngờ có thai
  • Đau khi quan hệ tình dục

Những điều cần tránh sau khi đặt vòng

Sau khi đặt, vòng có thể chưa được ổn định và có thể bị tụt hoặc rơi ra ngoài. Do đó để vòng tránh thai không bị ảnh hưởng, bạn cần chú ý những điều sau đây:

  • Ngay sau khi đặt vòng, bạn nên nghỉ ngơi từ 10-15 phút để vòng ổn định. Đây cũng khoảng thời gian để bác sỹ theo dõi những phản ứng của cơ thể với vòng tránh thai.
  • Trong 1 tuần đầu tiên, bạn nên nghỉ ngơi nhiều, đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc hay vận động mạnh.
  • Không tắm bồn tắm quá lâu.
  • Kiêng quan hệ tình dục ít nhất 2 tuần sau khi đặt vòng: việc quan hệ lại quá sớm có thể đẩy vòng đi vào quá sâu bên trong tử cung. Việc này cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai.
  • Kiêng bê vác nặng: Chị em chú ý tuyệt đối kiêng bê vác vật nặng trong ít nhất 1 tuần đầu sau khi đặt vòng.
  • Không hoạt động thể thao nặng: Các môn thể thao cần nhiều sức lực và vận động mạnh có thể tác động đến vòng và gây lệch vòng. Một số môn mà chị em nên tránh là: bơi lội, chạy nhanh, leo núi…Bạn có thể đi bộ, đạp xe, hoạt tập yoga nhẹ nhàng.
  • Không thụt rửa âm đạo: Việc vệ sinh âm đạo hàng ngày là rất quan trọng, nhất là sau khi đặt vòng để tránh nguy cơ viêm nhiễm. Bạn nên dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ có độ PH từ 4-5. Và quan trọng là không được thụt rửa âm đạo vì điều này làm mất cân bằng môi trường âm đạo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa.

Chị em hay chủ động sắp xếp thời gian hợp lý rồi mới đặt vòng. Vì nếu không nghỉ ngơi và có những hoạt động không phù hợp, vòng có thể bị lệch hoặc tụt gây ra ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai.

Tự kiểm tra vòng tránh thai

Thông thường vòng tránh thai sẽ thừa ra một đoạn dây 5cm. Sau khi đặt vòng tránh thai, chị em cũng có thể tự kiểm tra vòng để xác định vòng có đứng vị trí hoặc có bị tụt không.

Cách kiểm tra vòng tránh thai như sau:

  • Bạn có thể kiểm tra bằng cách thò tay vào trong âm đạo. Nếu thấy sợi dây vẫn như ban đầu thì tức là vòng vẫn ở đúng vị trí. Nếu sợi dây ngắn hơn bình thường hoặc không thấy sợi dây tức là vòng đã bị lệch hoặc bị tuột.
  • Chú ý trước khi kiểm tra nên rửa sạch tay bằng xà phòng để tránh viêm nhiễm phụ khoa.

Trên đây là những thông tin về phương pháp đặt vòng tránh thai. Đây là phương pháp tránh thai hiệu quả và duy trì được thời gian dài. Tuy nhiên nó cũng có một số nhược điểm mà khiến nhiều chị em không thích phương pháp này. Bạn hãy căn cứ trên những ưu, nhược điểm và tư vấn thêm với bác sĩ trước khi tiến hành đặt vòng. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích khi tìm hiểu tránh thai an toàn.

Trần Thị Phương Mai

Giảng dạy Bộ môn Sản, trường Đại học Y Hà Nội

Giáo sư cố vấn chuyên môn về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản Bộ Y tế

Ủy viên ban chấp hành Hội sản phụ khoa và Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam

Thành viên Ủy Ban Y tế KV Châu Á Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc

Gs Trần Thị Phương Mai là bác sĩ được nhiều người biết đến trong lĩnh vực khám và điều trị bệnh lý sản phụ khoa. Bác sĩ đặc biệt mát tay trong hỗ trợ sinh sản, giúp nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con. Hàng ngày, bệnh nhân tìm đến thăm khám với bác sĩ rất đông.

Hiện bác sĩ khám tại:

Phòng khám số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Sáng thứ 3 hàng tuần.

Khoa Khám theo yêu cầu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Sáng thứ 4 hàng tuần.

Phòng khám Sản phụ khoa Phương Mai - Số 102 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hầu hết thời gian bác sĩ khám tại phòng khám riêng này. Phòng khám của Giáo sư khá đông, chị em có thể gọi đến số điện thoại phòng khám để đặt lịch trước.